Trà là thức uống thanh túy giầu hương vị, mang đến cảm nghiệm tâm thức cho tinh thần hoài cổ, an nhiên. Trà không còn xa lạ gì với mỗi con người Việt Nam, nhưng đam mê với trà thì lại không mấy người, những đam mê ấy có thể chợt đến từ một buổi nói chuyện, từ một người thầy hay một ấm trà lạ trong một khung cảnh xưa cũ trong những âm thanh của tiếng hát then rồi miên man trong miền kiến thức vô hạn và hoài nghi.
Trà của người Việt cũng giản dị và tinh tế giống con người Việt Nam vậy. Thưởng trà trong không gian nghệ thuật tín ngưỡng thì lại càng mang lại cho con người ta ý thức tự hào dân tộc cùng với những nét văn hóa truyền thống sẵn có. Loại hình nghệ thuật mang lại nhiều cảm xúc nhất có lẽ là hát then. Hát then trong đời sống, văn hoá tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào Tày, Nùng, Thái vùng cao phía Bắc được ví là “điệu hát thần tiên”, điệu hát của “Trời”. Nghệ thuật diễn xướng dân gian này ẩn chứa và phô diễn những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời. Hát then là một loại hình diễn xướng âm nhạc tín ngưỡng dân gian, có nội dung thuật lại cuộc hành trình của con người lên thiên giới cầu xin Then ban cho những điều may mắn và một cuộc sống tốt lành. Hát then của người Tày phản ánh chuyện từ đời sống, bản mường, đến chuyện tình yêu, ma chay, cưới hỏi… Khi nghiên cứu các lễ Then cổ truyền, các nhà nghiên cứu thấy rõ nhân sinh quan, thế giới quan và bản sắc văn hóa của đồng bào Tày.
Dịp diễn ra các sự kiện quan trọng của người Tày, Nùng, Thái ở một số tỉnh vùng cao phía Bắc như: Lễ cầu mùa, cầu yên, cấp sắc… đồng bào dùng tiếng đàn tính để thay lời muốn nói, bày tỏ nỗi niềm… Khi thực hành nghi lễ, người hát Then không thể thiếu các dụng cụ như đàn tính, chùm xóc nhạc, quạt, thẻ âm dương, kiếm. Đàn tính được coi là nhạc cụ mang “hồn” dân tộc, là cầu nối giữa con người với thế giới tâm linh… Ở vùng Tây Bắc, then của người Thái bắt nguồn từ cuộc sống lao động, nên Then thẩm thấu những giá trị văn hoá lâu đời, mang tính nhân văn sâu sắc. Hát then không chỉ giải quyết vấn đề tín ngưỡng, mà còn răn dạy con người; ngợi ca đạo đức; phê phán thói hư tật xấu; thể hiện tình yêu nam nữ hay ngợi ca tình yêu thiên nhiên, đất nước…
Gắn liền với nghi lễ Then là cây đàn tính. Tính tẩu giữ một vai trò quan trọng đối với thực hành nghi lễ then, vừa dẫn dắt, vừa là đệm, nhưng cũng đóng vai trò như một giọng hát thứ hai cùng với giọng của nghệ sĩ diễn xướng. Đàn tính là một loại nhạc cụ rất đặc biệt, được làm từ nửa quả bầu khô. Quả bầu không được quá to, cũng không quá nhỏ, chu vi khoảng 60-70cm, hình tròn đẹp cân đối, vỏ dày, gõ vào phải kêu đanh mới cho ra được âm thanh chuẩn. Quả bầu già cắt xuống moi hết ruột, rửa sạch, phơi thật khô rồi ngâm vôi khoảng 2-3 ngày để chống mối mọt và giữ cho âm thanh được ổn định.
Nắp đàn làm từ gỗ cây hoa sữa hoặc cây vông, trước kia dùng nhựa cây hồng để dính vì chưa có keo. Cần đàn được làm từ những loại gỗ dẻo như cây thông đất, cây dẻ, cây mỡ hoặc xoan có tuổi đời từ 15 năm trở lên, chọn mặt gỗ mịn, ít vân. Dây đàn được làm bằng tơ, sau này thay bằng dây cước, đàn có hai hoặc ba dây.
Với ý nghĩa sâu sắc phản ánh đời sống người dân thì hát then với thưởng trà lại là sự kết hợp độc đáo khi cùng nhau nghe nỗi niềm, thấu hiểu tâm tư rồi nhâm nhi những tách trà thì lại càng làm sự hoài niệm thăng hoa, càng trân quý biết bao hương đất, hương người. Trong khoảnh khắc thưởng trà ngắn ngủi cùng với tiếng đàn tính du dương mỗi sắc vẻ của thiên nhiên đều săm sắp ngọt bùi làm con người có thể dành đôi phút sống chậm lại mà lắng lòng. Nghệ thuật hát then gắn với nghệ thuật trà Việt trong không gian tĩnh lặng tại Không gian văn hóa Trà sẽ làm du khách như lạc vào một rừng hương sắc trí tuệ của nhân loại và làm nên một thương hiệu trà đậm chất Việt